Học Tiếng Đức ở Đức không khó như từng nghĩ
Tiếng Việt15-12-2018
Mình có cơ hội học ở một vài nước khác rồi tìm được việc thì mới đến Đức để làm việc. Từ lúc sang Đức tới giờ, mình nhận ra hai bất ngờ về ngôn ngữ. Bất ngờ đầu tiên là mình có thể xoay xở ở Berlin, thủ đô nước Đức, mà không biết một từ tiếng Đức nào cả. Nếu bạn đã ở Đức thì việc sử dụng tiếng Anh ở thành phố lớn như Berlin cũng không có gì lạ, vì ở Berlin có rất nhiều người nước ngoài. Giới trẻ người Đức phần lớn đều nói tiếng Anh rất tốt. Mặt khác, tính chất công việc của mình làm bên kỹ thuật, mọi người đồng nghiệp đều nói được tiếng Anh và không yêu cầu tiếng Đức, nên tiếng Anh của mình đủ để phục vụ nhu cầu công việc và cơ bản cuộc sống. Vì vậy trong năm đầu tiên ở Đức, mình khá chần chừ để học tiếng Đức nghiêm túc.
Bất ngờ thứ hai đến sau khi mình học thử tiếng Đức, và nhận ra rằng học tiếng Đức ở Đức cũng không khó lắm như mình từng nghĩ. Đây cũng là nội dung chính mình chia sẻ trong bài viết này. Sang năm thứ hai ở Đức, mình đi học thêm tiếng Đức buổi tối và cũng muốn có bằng B1 để làm một số thủ tục hành chính. Bởi vậy mình cũng cố gắng học tiếng và từ đó cách nhìn của mình về việc học tiếng Đức đã thay đổi hoàn toàn. Trong bài đầu tiên về Học Tiếng Đức này, mình sẽ chia sẻ về những động cơ giúp mình theo đuổi được việc học tiếng Đức. Và sau đó tại sao mình nhận ra học tiếng Đức ở Đức không khó như mình từng nghĩ.
Mình cũng chia sẻ với góc nhìn của một người đang học, chứ không phải expert. Mình vẫn còn phải làm bài tập ngữ pháp, học động từ bất quy tắc, và luyện nói như các bạn học viên khác. Dù mỗi người có một kiểu học riêng, nhưng hi vọng những chia sẻ này có thể có ích cho những bạn nào có cùng sở thích học ngoại ngữ như mình.
MỤC LỤC
1. Động cơ
Khi so sánh chính bản thân mình của năm thứ nhất (chưa học tiếng Đức) và mình của năm thứ hai vừa rồi (khi học tiếng Đức rồi), thì sự khác biệt rõ nhất là động cơ học tiếng. Mình có thể nói động cơ quan trọng đúng như tên gọi của nó, tưởng tượng bạn dắt một chiếc xe máy hết xăng không thể nào nổ máy được thì rất khác với việc ngồi trên xe có động cơ nổ máy chạy. Bạn đi nhanh hơn và khoẻ hơn khi bạn có động cơ.
Khi đứng trước một quyết định quan trọng, chúng ta thường cân nhắc cái thu được và chi phí bỏ ra (không chỉ tiền bạc mà còn công sức và thời gian). Có thể tóm tắt quyết định học tiếng Đức của mình thành bảng gồm 4 mảng như dưới đây, được và mất khi học thêm tiếng Đức hoặc không học, chỉ dùng tiếng Anh.
TRƯỚC KHI HỌC
Được | Mất | |
Học thêm tiếng Đức | 1. - Tự đặt được lịch hẹn bác sỹ, nếu cần: hi hữu lắm mới phải đi |
2. - Thời gian: rất nhiều - Công sức: tiếng Đức rất khó - Tiền bạc 200-300 EUR/ tháng |
Không học tiếng Đức (chỉ dùng tiếng Anh) |
3. - Thời gian |
4. - Không đọc được giấy tờ và trả lời điện thoại: có gì thì nhờ đồng nghiệp - Không hiểu các thông báo trên tàu: có gì không biết thì hỏi hành khách khác |
Theo thời gian, từ năm thứ nhất (không học tiếng Đức) sang năm thứ hai (bắt đầu học tiếng Đức), thì những lý do mình điền vào những ô bảng trên dần thay đổi, có cái nhiều lên và có cái ít đi. Những cái được của việc học tiếng (số 1) và những cái mất đi do việc không học tiếng (số 4) càng ngày dày hơn. Ngược lại, những cái khó khăn của việc học (số 2) cũng càng ngày càng nhỏ đi, vì mình tìm ra cách xoay xở xung quanh những khó khăn đó. Và dĩ nhiên những cái có được khi không phải học tiếng (số 3), thì nó cũng giảm lại, vì thời gian rảnh của mình còn quá nhiều mà chưa sử dụng hiệu quả. Vì vậy sau thời gian học thì bảng phân tích trở thành như sau:
SAU KHI HỌC
Được | Mất | |
Học thêm tiếng Đức | 1. - Tự đặt được lịch hẹn bác sỹ, nếu cần - Đi nghe các buổi nói chuyện bằng tiếng Đức - Liên lạc với người bán đồ trên mạng - Tự gọi điện báo chủ nhà khi có vấn đề nhà ở - Giải trí: xem Ti-Vi, shows, đọc sách, báo được nhiều kênh thông tin hơn - Mở rộng khả năng xin việc, sau này có thể làm việc ở những vị trí cần tiếng Đức - Nói chuyện với những người Đức rất vui và khích lệ - Trải nghiệm cuộc sống bằng thứ ngôn ngữ bản địa |
2. - - - |
Không học tiếng Đức (chỉ dùng tiếng Anh) |
3. - |
4. - Không đọc được giấy tờ và trả lời điện thoại - Không hiểu các thông báo trên tàu - Mất đi tất cả trải nghiệm ở ô số 1 |
Thực ra mình không logic tới mức lập cái bảng so sánh như trên khi quyết định học hành nghiêm túc. Nhưng trong vô thức thì những lý do đó luôn giải thích cho việc mình học hay không học tiếng Đức. Một khi không muốn học thì những lý do số 2, và 3 trở nên nặng ký. Khi muốn học thì số 1 và 4 quan trọng hơn rất nhiều và ngược lại thì những lý do ở số 2, 3 không còn quan trọng nữa.
2. Học tiếng Đức không khó như từng nghĩ
Phần tiếp theo mình sẽ chia sẻ một số điểm tại sao tiếng Đức lại dễ hơn mọi người hay nghĩ, đặc biệt nếu bạn đã biết tiếng Anh.
Tương đồng với tiếng Anh
Trước khi học mình đi đâu cũng nghe người ta nói tiếng Đức rất khó. Thỉnh thoảng đọc trên mạng thì gặp mấy ví dụ so sánh các ngôn ngữ như như:
Tiếng Anh | television | nationality |
Tiếng Pháp | télévision | nationalité |
Tiếng Tây Ban Nha | televisión | nacionalidad |
Tiếng Hà Lan | televisie | nationaliteit |
Tiếng Ý | televisione | nazionalità |
Tiếng Đức | Fernsehen | Staatsangehörigkeit |
Ví dụ trên đúng, nhưng là ví dụ không điển hình và có chọn lọc (cherry-pick). Vì các ngôn ngữ gần nhau Pháp-Ý-Tây Ban Nha đều cùng một hệ ngôn ngữ, nhiều từ của họ cũng giống nhau. Tiếng Đức cũng là bà con nhưng bà con xa hơn một chút so với những người anh em ruột Pháp-Ý-Tây Ban Nha. Nếu để ý, thì tiếng Đức cũng có rất nhiều điểm giống tiếng Anh. Mình có thể liệt kê ra 1 bảng rất dài những từ nhìn qua là thấy mối liên hệ:
Anh | Đức |
---|---|
music | Musik |
police | Polizei |
conference | Konferenz |
welcome | willkommen |
ship | Schiff |
love | Liebe |
worth | wert |
… | … |
Sau khi học được 1 năm tiếng Đức, mình càng nhận thấy nhiều điểm tương đồng giữa tiếng Anh và tiếng Đức. Mình không đưa ra con số 10% hay 40% vì số lượng không quan trọng một khi bạn đã xác định học hay không học. Nhưng sau đây là những ví dụ tiêu biểu mà mình thấy tiếng Đức tương đồng tiếng Anh:
-
Từ vựng: Như đã chỉ ở trên, có nhiều từ có thể đoán nghĩa ra được. Hoặc nếu có khác nhưng một số quy luật có thể thay được chữ, ví dụ như “kalt = cold”, thường thì k~c, t~d. Ví dụ khác tương tự “haushalt = household”. Ngoài những từ tiếng Anh thông dụng, những từ ít phổ biến hơn như từ ngữ học thuật hay từ vựng GRE, thường có nguồn gốc nước ngoài. Ví dụ sau cho thấy có sự liên quan về từ và nghĩa: “mächtig = mighty”, “Wanderlust ~ wander + love”.
-
Một số giới từ đi kèm với động từ cũng sử dụng giống nhau: ví dụ “von etw. träumen = dream of sth”.
-
Về cách đổi động từ sang tính từ: “leuchten = brighten, leucht-end blaue Augen = bright(ing) blue eyes”.
-
Về cách tạo từ từ những từ đơn vị ví dụ như: “wunder->wunderbar, wonder->wonderful”.
Mình thử google ra với cụm từ khoá: “german is …” và thay dấu … bằng chữ difficult (khó) và easy (dễ) thì nhận được 500k kết quả cho tìm kiếm difficult và 1 triệu kết quả cho tìm kiếm easy. Dĩ nhiên số lượng kết quả tìm kiếm không quyết định dễ hay khó, chưa kể dễ hay khó còn phụ thuộc vào định mức như thế nào là dễ. Nhưng có thể cho thấy nhiều người nói tiếng Đức dễ hơn là khó. Trong lúc tìm kiếm mình thấy một bài viết sau mình hoàn toàn đồng ý, “Tiếng Đức dễ hơn bạn nghĩ” [1] (bài viết bằng tiếng Anh).
Quan trọng khi nhận xét tiếng Đức có nhiều điểm giống tiếng Anh không phải là lời đảm bảo rằng hai thứ tiếng giống như đúc (vì sự khác biệt vẫn đáng kể đủ để chúng trở thành hai ngôn ngữ khác nhau). Nhưng quan trọng là xem sự tương đồng giữa hai ngôn ngữ đó như món quà khuyến mại khi mua một món đồ vậy, ngoài những cái giá bạn phải trả, bạn được khuyến mãi thêm một chút để có thể mua hàng của chúng tôi (hay “mua” thứ ngôn ngữ này và “trả tiền” bằng công sức học).
Cách học khác với học tiếng Anh
Nghe có vẻ trái với chủ đề vừa nói ở trên, nhưng thực tế nếu bạn đọc những dòng này thì phần lớn trong các bạn đều đã trải qua giờ học Anh văn ở trường phổ thông tại Việt Nam. Phải thừa nhận 6-7 năm học Anh văn từ lớp 6-12 (hoặc nhiều hơn ở các thành phố) là quá dài nhưng không mấy ai có thể tự tin dùng chừng đó để giao tiếp (thực tế thì phần lớn ai muốn giỏi cũng phải đi học ở trung tâm Anh ngữ). Nếu bạn bắt đầu học tiếng Đức, hay ngôn ngữ nào khác, thông thường sẽ có những bộ giáo trình theo từng trình độ từ Sơ cấp, Trung cấp, và Cao cấp, (A1 -> C2). Nếu ở VN chúng ta học Anh văn phân mảnh theo nhiều năm, thì giờ ta học một thứ tiếng mới theo bộ giáo trình chuẩn (ví dụ như Menschen - Nhà Xuất Bản Hueber, Netzwerk - Klett Sprachen, …), cứ tập trung theo 1 giáo trình, từ từ từng bước mà làm sẽ tới được trình độ mong muốn. Hết A1 rồi sẽ qua A2, hết A2 rồi sẽ qua B1, … Dĩ nhiên ngoài kiến thức sách vở thì quan trọng không kém là thực hành (làm bài tập ngữ pháp, thực hành giao tiếp ngoài đời, tự luyện nghe ở nhà …) nhưng thực tế thì để giỏi ngôn ngữ không cần quá nhiều “mẹo” hay là học sinh giỏi như “học sinh giỏi Anh văn”, hay kiến thức tổng hợp từ 101 cuốn sách bồi dưỡng và bài tập tiếng Anh như ta từng làm trước đây.
Tóm lại, phương pháp học của giáo trình ngôn ngữ sẽ rất đầy đủ. Chỉ cần bạn kiên trì theo 1 bộ sách là từng bước đạt được trình độ cần thiết. Mình đảm bảo dễ hơn trước đây bạn học tiếng Anh.
Chi phí không quá cao
Ban đầu mình chỉ tìm hiểu sơ sơ về những lớp học tiếng Đức nên chỉ biết được những lớp mà học phí rất đáng kể, ví dụ như 200-300 EUR/tháng. Nếu học ở viện Goethe thì giá 600 EUR khoá học hai tháng. Cũng xấp xỉ tiền thuê nhà ở của mình lúc đó rồi. Nên từ đó động cơ học cũng giảm đi rất nhiều (tại sao phải bỏ rất nhiều tiền để học).
Nhưng rồi mình khi tiếp tục tự tìm lớp học mới nhận ra những lựa chọn học tập khác, ví dụ như ở Volkshochschule, kiểu như trường Bổ Túc Văn Hoá ở Việt Nam, trường dạy thêm cho những người đã đi làm hoặc có gia đình. Chất lượng lớp học có thể tuỳ theo giáo viên đứng lớp, nhưng điều này thì cũng đúng với tất cả các trường còn lại. Có điều lớp học ở đây có những lớp rất tốt vì họ dạy đúng kỹ năng mình cần học mà học phí lại rất rẻ. Ví dụ mình đi học lớp Phát âm (Aussprachetraining) với học phí 30 EUR/10 buổi học trong 10 tuần. Học xong thấy lớp học quá bổ ích nên mình đăng ký lại đúng lớp đó và đi học lại thêm 10 tuần nữa.
Ngoài ra mình thấy ở Đức có rất nhiều tài nguyên để có thể học được mọi lúc mọi nơi. Nếu bạn thích nghe radio thì mở lên là có rất nhiều kênh. Nghe YouTube hay xem phim không thiếu Netflix, Sky hay các dịch vụ streaming khác. Nếu thích đọc báo hay tạp chí thì các nhà sách đầy báo với minh hoạ rất lôi cuốn, giá từ 5-7 EUR một tạp chí chất lượng như National Geo, Pyschologie Heute, … tất tần tật. Nội dung dễ hơn có Deutsch Perfekt, rất phù hợp với người mới học.
Nếu muốn tiết kiệm hơn nữa, bạn có thể tận dụng hệ thống thư viện công cộng rất dồi dào ở Đức. Ví dụ như Thư viện Berlin (Zentral- und Landesbibliothek Berlin) [2], chỉ với thẻ thành viên 10EUR/năm bạn có thể mượn rất nhiều sách vở băng đĩa về nhà học. Ngoài ra dù bạn không phải là sinh viên vẫn có thể đăng ký thẻ thành viên ngoài trường của Thư viện Đại học Humboldt [3], cách đây 2 năm mình đăng ký vẫn miễn phí.
Nói tiếng Đức với người Đức
Hẳn tuỳ theo người và tuỳ theo thành phố, nhưng nhìn chung mình thấy ở Berlin nói chuyện với người Đức bằng tiếng Đức rất vui. Khi nói chuyện bằng tiếng Đức thì người Đức khá trân trọng nỗ lực học tiếng của mình. Miễn là mình thể hiện tinh thần chân thành, cầu tiến học hỏi.
Mình có gặp một câu danh ngôn:
“Nếu bạn nói chuyện bằng ngôn ngữ người khác hiểu, điều đó đi vào trong đầu anh ta. Nếu bạn nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ của anh ấy, điều đó đi vào tim”. - Nelson Mandela
(Bản gốc tiếng Anh: “If you talk to a man in a language he understands, that goes to his head. If you talk to him in his language, that goes to his heart.” - Nelson Mandela)
Thực ra mình nghĩ ở đâu cũng vậy thôi, mình là người Việt Nam nếu như gặp một người nước ngoài nói tiếng Việt nghe được được một chút mình cũng rất vui. Người Đức cũng có rất nhiều kiểu, nhưng nhìn chung ai cũng vui vẻ khi mình nói chuyện với họ bằng tiếng Đức. Một kinh nghiệm của mình là cứ bắt đầu nói cái gì mà chưa chắc thì cứ báo trước, tôi mới học tiếng nên tôi nói còn chậm, có gì vui lòng nói chậm lại. Thì họ cũng vui vẻ nói từ từ cho mình hiểu thôi. Họ cũng thừa biết thứ tiếng của họ quá rắc rối để một người nước ngoài có thể làm chủ được thứ tiếng. Còn nếu gặp người không khích lệ hoặc xem thường trình độ tiếng Đức khập khiễng của người mới học thì mình không tiếp xúc nhiều nữa. Tìm môi trường hỗ trợ mà sinh hoạt, giao lưu.
Một số đồng nghiệp người Đức có nhận xét, học tiếng Đức khó mà bạn học được chứng tỏ bạn rất cố gắng. Mình bảo, đúng là có những cái khó nhưng không khó bằng lúc trước tôi học tiếng Anh ở Việt Nam, lúc đó không có người bản địa nào xung quanh để tập nói cả. Còn giờ là học tiếng Đức ở nước Đức (Deutsch in Deutschland) như vậy đã dễ hơn ngày xưa rất nhiều rồi. Mà đúng vậy, chỉ cần ra đường lên tàu là đã nghe tiếng Đức, ra siêu thị mua thịt cá rau củ thanh toán tiền cũng chêm được một câu tiếng Đức vào. Vậy đối với mình là điều kiện thuận lợi quá rồi.
Nói về accent (giọng), thì nói chuyện với người Đức giúp việc phát âm đúng hơn nhiều. Trước đây chúng ta học tiếng Anh ở Việt Nam gần như không có cơ hội học cùng giáo viên bản địa. Không có môi trường tập nói nhiều. Trong điều kiện học như vậy khó tránh khỏi phát âm không chuẩn. Ngược lại giờ ở Đức, nếu mình có để ý hay không thì cứ phải nghe tiếng Đức phát âm bởi người Đức, nhiều lần nghe thì rồi mình sẽ phát âm theo, kiểu gì cũng sẽ tốt hơn.
Không cần thiết phải có năng khiếu ngoại ngữ
Có thể có bạn cho rằng mình nhận xét “thiên vị” về việc học tiếng Đức do mình có năng khiếu ngoại ngữ nên học nhanh vào (mình học được tiếng Anh rồi). Nhưng mình có thể đưa ví dụ khách quan hơn về những bạn học cùng lớp với mình ở trường Volkshochschule, để xác nhận một điều, ai học tiếng Đức cũng được, miễn là theo giáo trình bài bản và có quyết tâm.
Lớp học của mình ở VHS có khoảng 40% thành viên là các cô chú trung tuổi như bố mẹ chúng ta, tầm 50-60 tuổi đến từ các nước châu Âu hoặc Trung Đông. Còn các bạn trẻ bằng tuổi cũng có nhiều người chưa hề biết tiếng Anh, giờ họ học tiếng Đức là thứ ngoại ngữ đầu tiên họ học. Nhưng ở lớp tiếng Đức, họ vẫn học và nói tốt, dù tuổi cao hay không có học hành cao cấp. Ngược lại rất nhiều người tuổi trẻ hơn, lại có học vấn cao, làm việc bằng tiếng Anh ở đây lâu năm, (còn gọi là expat), nhưng có thể ở 4-5 năm vẫn không học được tiếng Đức. Đó là quyết định cá nhân, mình không đánh giá, vì trước đây mình cũng như vậy. Nhưng mình muốn nói là trình độ học vấn, và năng khiếu, không ảnh hưởng tới việc học tiếng ở mức độ giao tiếp.
Đồng ý là nếu bạn có năng khiếu thì mọi thứ sẽ nhanh hơn, nhưng đó không phải là điều kiện tiên quyết để nắm lấy một ngôn ngữ. Nhưng rất tiếc mọi người hay đổ lỗi cho năng khiếu làm lý do họ không học được. Nó cũng giống như việc tôi không bao giờ nấu cái gì ăn cả vì tôi không có năng khiếu nấu ăn. Theo mình nghĩ, nếu bạn không có năng khiếu, bạn có thể không nấu được những món ăn đẳng cấp, nhưng để học nấu những món ăn cơ bản, phục vụ nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày, điều đó hoàn toàn có thể.
3. Tổng kết
Sau 1 năm học tiếng Đức từ số 0, mình nhận ra động cơ quyết định tới việc mình học tiếng Đức rất nhiều. Càng học thì mình nhận ra càng nhiều lý do để cố gắng học tốt. Càng có nhiều lý do để học thì việc học lại càng tiến bộ, quá trình học lại vui và hiệu quả hơn.
Tóm tắt sau đây là những lý do, mình cho rằng tiếng Đức không khó như mình từng nghĩ:
- Nếu đã biết tiếng Anh thì có rất nhiều kiến thức có thể liên hệ qua tiếng Đức.
- Học tiếng Đức (hay ngoại ngữ khác) vẫn dễ hơn (hoặc ít ra là nhanh hơn) trước đây mình học Anh văn ở phổ thông.
- Nếu cân nhắc về tài chính, luôn có những phương án học chi phí hiệu quả như ở VHS, giáo trình và sách vở có thể mượn ở thư viện về học.
- Khi bạn dùng tiếng Đức, phần lớn người Đức sẽ trân trọng nỗ lực hội nhập của bạn.
- Bạn hoàn toàn có thể học tiếng đủ để giao tiếp mà không cần năng khiếu đặt biệt về ngôn ngữ.
Hi vọng bài viết này có thể giúp bạn có thêm xăng để chạy động cơ học tiếng Đức trong năm mới!
Tham khảo