Tìm việc ở Đức và EU Blue Card

07-01-2018

Hiện tại mình đang làm việc trong lĩnh vực IT ở Đức. Trước khi đến Đức mình học thạc sỹ ở Pháp và ra trường tìm được việc tại Đức. Qua bài viết này mình muốn chia sẻ một vài nguồn thông tin liên quan tới quá trình tìm việc làm ở Đức, đặc biệt nộp đơn từ nước ngoài, và một số điểm nổi bật trong chính sách visa lao động và lộ trình định cư.

Mình cũng là người mới đến nước Đức nên bài tóm tắt này chỉ phản ánh được một góc nhìn cá nhân của mình. Hi vọng bài viết sẽ có ích cho những bạn cũng đi tìm cơ hội công việc tương tự. Hoan nghênh mọi ý kiến bổ sung và chia sẻ ở phần bình luận bên dưới.

1. Nguồn thông tin chính thức.

Mọi thông tin cần thiết về chính sách nhập cư cho người lao động đến Đức đều có thể được tìm thấy ở đây http://www.make-it-in-germany.com/en [1], đây là cổng thông tin được thực hiện bởi Bộ Kinh tế và Năng lượng, cùng các cơ quan liên quan. Trên công thông tin có giới thiệu đây là một phần trong chiến dịch tìm kiếm chuyên gia của Đức. Nhưng mong các bạn đừng bị áp lực bởi từ chuyên gia nhé, đơn giản có thể hiểu là có tay nghề, miễn là có công ty nhận là được. Đặc biệt, cổng thông tin cũng hỗ trợ phiên bản tiếng Việt tại http://www.make-it-in-germany.vn/ cùng với một video phỏng vấn một gia đình Việt Nam. Sau quá trình xin việc, nếu bạn nhận được lời đề nghị làm việc từ công ty tại Đức, thì tất cả các thủ tục giấy tờ còn lại chỉ là giữa bạn và công ty, hoặc các cơ quan nhà nước của Đức (Đại Sứ Quán, Cơ quan kiểm định bằng cấp,…) mà cần không phải qua một bất kỳ một dịch vụ tư nhân nào.

Mình đưa thông tin về trang web chính thức lên trước hết vì đã có nghe qua những trường hợp trang web dịch vụ kiếm tiền qua những việc ví dụ như đánh giá hồ sơ và CV, kết nối với doanh nghiệp, … Không nên tốn tiền vào những trang web dịch vụ như vậy. Nhìn chung, các trang thông tin chính thức của nhà nước Đức thường được quản lý bởi các bang (Berlin, Saxony, …) hoặc các bộ với biểu tượng ví dụ như:

BAMF

Sample logo of official page managed by German Government

Cổng thông tin Di trú của Uỷ ban Châu Âu [2] cũng đưa ra khuyến cáo tương tự về các trang web không chính thống:

This is the official EU Blue Card website of the European Commission. Other websites on the EU Blue Card may contain incorrect information or charge for their services, and they cannot issue EU Blue Cards. Only Member States of the EU can issue EU Blue Cards - you can find the links to the official national websites in these pages.

Phần dưới đây mình sẽ giới thiệu một số thông tin nổi bật của chính sách nhập cư cho lao động có trình độ (skilled workers), một số ví dụ của mình được đưa ra trên kinh nghiệm xin việc của mình trong lĩnh vực IT. Nguồn tham khảo của các thông tin được trích dẫn dưới dạng [n] và kèm link liên quan ở phụ lục cuối bài. Chủ yếu các nguồn tham khảo đều bằng tiếng Anh, với một số ít nguồn bằng tiếng Đức mình sẽ phụ chú “(tiếng Đức)” ở bên cạnh nguồn.

Lưu ý, thông tin trình bày trong bài viết đã được chọn lọc và thu thập với nguồn trích dẫn tương ứng để có thể hỗ trợ bạn đọc tìm hiểu thêm khi cần thiết. Tuy nhiên, chính sách lao động và số liệu thống kê cũng thay đổi theo thời gian. Vậy nên thông tin trong bài viết chỉ mang tính tham khảo, không có sự đảm bảo tính cập nhật và chính xác.

2. Làm việc tại Đức

Để có cái nhìn đầy đủ, các bạn nên lưu lại để tham khảo tài liệu PDF trên Make-it-in-Germany [1]. Tài liệu đó trình bày đầy đủ các bước từ xin việc tới các thông tin về hợp đồng lao động, thuế và bảo hiểm, cũng như các cơ hội cho các thành viên gia đình, và kỹ năng ngôn ngữ.

Có thể tìm việc ở Đức từ bên ngoài nước Đức

Tùy theo bằng cấp và kinh nghiệm và sự phù hợp với công việc, bạn hoàn toàn có thể xin việc từ bên ngoài nước Đức, kể cả nộp đơn trực tiếp từ Việt Nam. Cũng như ở nhiều nước khác, bạn có thể tìm việc chủ yếu qua LinkedIn hay Glassdoor. Công việc IT có thể tìm thấy ở StackOverflow hoặc công việc Machine Learning trên Kaggle. Mình đã tìm được công việc đầu tiên qua Kaggle, trang này cũng thu hút rất nhiều ứng viên từ rất nhiều nước trên thế giới.

Nếu xin việc IT thông thường sẽ có 1-2 vòng phỏng vấn online và 1-2 tests take-home hoặc online coding. Ở vòng cuối thường sẽ là onsite interview và công ty sẽ trả tiền đi lại và chỗ ở trong thời gian phỏng vấn, và visa nếu cần thiết.

Ngôn ngữ

Về ngôn ngữ làm việc, công việc IT thường chỉ cần tiếng Anh thông thạo là đủ. Qua trả lời phỏng vấn nhà tuyển dụng có thể đánh giá được trình độ tiếng Anh có đủ để giao tiếp công việc hay không mà không cần bằng cấp IELTS/TOEFL. Nếu biết tiếng Đức thì càng tốt nhưng không phải là yêu cầu quan trọng nhất. Ở các ngành khác, công việc có thể yêu cầu tiếng Đức, nhưng yêu cầu này thường sẽ nêu rõ trong job description. Thông thường các thành phố lớn như Berlin, Munich, … có nhiều môi trường để sử dụng tiếng Anh trong công việc hơn. Theo một số thống kê, dân số Berlin có hơn 15% là người nước ngoài. Nếu chỉ tính môi trường startup thì có tới gần 50% là người nước ngoài [3].

3. Chương trình EU Blue Card

Bài viết này chủ yếu giới thiệu về EU Blue Card, là một trong những diện visa được cấp cho người lao động có trình độ đủ một số điều kiện nhất định. Đây cũng là diện visa mà mình được nghe đến nhiều nhất, nhất là đối với những ai học ở bên ngoài nước Đức đến Đức để làm việc. Nếu không đủ điều kiện của EU Blue Card, cơ bản còn có dạng visa “residence title for the purpose of taking up employment” nếu Cơ quan Lao động Liên Bang (Bundesagentur für Arbeit) đồng ý công việc của bạn. Nếu bạn tốt nghiệp từ một trường ở Đức, có nhiều điều kiện thuận lợi hơn về tiêu chí xét visa lao động, các bạn có thể tham khảo têm tại [4] (tiếng Đức) cũng như luật 18a [5] (tiếng Đức) hoặc bản dịch sang tiếng Anh [6].

Thông tin đầy đủ về EU Blue Card có thể được tìm thấy tại các trang web EU Blue Card [7] của Cơ quan Di trú và Tị nạn Liên Bang Đức (Federal Office for Migration and Refugees) hoặc Service-Portal Berlin [8]. Bài viết này mình chỉ lược tóm tắt một số điểm quan trọng.

Trước hết để tránh hiểu nhầm cần làm rõ 2 vấn đề trong tên gọi EU Blue Card như sau.

  • Dù là thẻ xanh (blue card) nhưng đây không phải là visa thường trú dân như thẻ xanh ở Mỹ (green card). Diện visa này gắn liền với công việc và thời hạn tương ứng với thời gian theo hợp đồng lao động (trường hợp hợp đồng làm việc không thời hạn thì visa có thời hạn 4 năm). Bạn cần phải có công việc để được ở lại nước Đức với Blue Card. Visa này sẽ được chuyển thành permanent permit sau khoảng 2-3 năm với những điều kiện khác sẽ được nói tới ở phần sau.

  • Dù là EU nhưng visa này chỉ cho có hiệu lực lực để làm việc và sinh sống lâu dài ở nước cấp visa (nhưng cũng như visa sinh viên hay du lịch châu Âu thông thường, thì Blue Card cũng cho phép bạn đi lại đến các nước trong khối Schengen trong thời hạn ngắn ví dụ đi thăm hay du lịch mà không cần phải xin thêm visa nào nữa). Ở đây EU mang ý nghĩa là một chính sách định hướng chung cho EU nhưng mỗi nước trong Liên minh áp dụng chính sách riêng phù hợp với nền kinh tế mỗi nước.

Nhiều nước trong Liên minh đều có triển khai chính sách EU Blue Card, nhưng Đức là nước triển khai nhiều nhất. Theo số liệu của Cổng thông tin Di Trú, Uỷ ban Châu Âu [2], tính trong năm 2014, Đức đã cấp 12 108 visa EU Blue Card, gấp gần 7 lần tổng số visa được cấp ra bởi các nước còn lại trong EU. Còn đây là thống kê của Cơ quan Di trú và Tị nạn Liên Bang Đức (BAMF) cho các năm 2013-2016 [9] (con số từ hai thống kê có khác nhau tuỳ theo thời điểm lấy dữ liệu - có chú thích). Có thể thấy Đức là một trong những nước đi tiên phong trong EU mở cửa chào đón lao động có trình độ.

Comparison of Blue Card among European countries

Image credit [9]

Các điều kiện cần có của EU Blue Card

  • Tốt nghiệp ít nhất Đại học từ một trường ở Đức hoặc ngoài Đức, văn bằng tương đương và được công nhận. Nếu trường cấp bằng chưa được công nhận trên danh sách của Đức thì sẽ có một quy trình để xác nhận bằng cấp.

  • Có đề nghị làm việc hoặc hợp đồng lao động từ một công ty tại Đức.

  • Thu nhập trước thuế của công việc đó phải trên một mức tối thiểu theo quy định.

Một số điểm đáng lưu ý

  • Vợ/chồng của người lao động được cấp visa đoàn tụ và được làm việc không giới hạn.

  • Không yêu cầu trình độ tiếng Đức để được cấp visa (kể cả với vợ/chồng).

  • Mọi người đi làm luôn phải đóng bảo hiểm y tế bắt buộc, nhưng nếu có gia đình thì vợ/chồng và con đang sống ở Đức đều được hưởng bảo hiểm y tế theo thẻ bảo hiểm người đóng bảo hiểm chính mà không tốn thêm phí [10].

  • Khi đã có EU Blue Card thì thẻ thường trú dân (permanent settlement permit hoặc trong tiếng Đức Niederlassungserlaubnis) được cấp sau 33 tháng đi làm và đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). (Thông thường tiền đóng bảo hiểm sẽ trừ trực tiếp vào lương net trước khi đến tay người lao động nên bạn sẽ không phải suy nghĩ về việc đóng BHXH). Thời gian 33 tháng được rút ngắn xuống 21 tháng nếu đạt được trình độ B1 tiếng Đức tại thời điểm nộp hồ sơ. Để so sánh với tiếng Anh thì trình độ B1 tiếng Anh tương đương với 4.0 - 5.0 IELTS [11]. Thông tin chính thức về các điều kiện cần có cũng như các cơ sở pháp lý khác có thể được xem thêm tại đây [12] (tiếng Anh). Tóm lại, nếu có trình độ tiếng Đức B1, chưa đầy 2 năm bạn sẽ được cấp permanent settlement permit thay vì 5 năm như các trường hợp thông thường. Thông tin chi tiết thêm về các quy định cư trú tại Đức [[^bamf3]].

  • Để tránh các hiểu nhầm, permanent settlement permit nhưng không có nghĩa là bạn có thể rời Đức sang nước khác sống lâu dài mà vẫn giữ settlement permit ở Đức được. Ở Đức quy định permanent settlement permit sẽ mất hiệu lực nếu rời Đức quá 6 tháng trừ những ngoại lệ. Điều này cũng không phải chỉ Đức mới áp dụng mà các nước khác cũng có chính sách tương tự với quy định về thời gian khác nhau được lưu trú ở bên ngoài nước sở tại, ví dụ , Mỹ 1 năm [13] hoặc [14] (tiếng Việt), Anh 2 năm [15], Canada 3 năm [16].

Các nhóm ngành có nhu cầu cao

Nếu nhóm ngành của bạn được vào trong 1 trong những ngành sau thì yêu cầu tối thiểu về thu nhập sẽ được nới lỏng hơn so với các ngành khác. Các ngành có nhu cầu cao chủ yếu nhóm ngành kỹ thuật (Điện tử, Xây dựng, Môi trường, …), Công nghệ thông tin, nhóm khoa học cơ bản (Toán, Lý, Hóa, Sinh, …). Lĩnh vực y tế chăm sóc sức khỏe (bác sỹ, y tá) cũng thuộc nhóm nhu cầu cao tuy nhiên nhóm ngành này thuộc vào diện regulated professions, cần có giấy phép hành nghề nên có thể khó được giấy phép hành nghề nếu tốt nghiệp từ bên ngoài Đức. Mặc dù nhóm ngành y tế khó để công nhận bằng cấp từ ngoài nước Đức nhưng mình có nghe một số trường hợp được chứng nhận hành nghề sau quá trình kiểm tra và xác nhận. Nếu các bạn quan tâm mình có thể chia sẻ với mình, mình sẽ tìm hiểu trong khả năng và viết thêm bài về nhóm ngành này.

Danh sách cụ thể của gồm các nhóm ngành 21 (Science and engineering professionals), 221 (Medical doctors) và 25 (Information and communications technology professionals) tại International Standard Classification of Occupations [17].

4. Chương trình Points-Based Model Project for Foreign Skilled Workers

Mới đây, từ tháng 10 năm 2016, nước Đức đã áp dụng thử nghiệm chương trình tính điểm để cấp visa lao động, tương tự như Canada và New Zealand đã làm. Chương trình trong giai đoạn thử nghiệm nên chỉ tiến hành trong bang Baden-Wuerttemberg, là một trong những bang kinh tế năng động ở Đức [18]. Chương trình này bên cạnh chương trình lao động trình độ cao EU Blue Card ở trên, còn dành cho người có bằng cấp nghề ở các nghề có nhu cầu cao, được nói đến trong danh sách [19]. Yêu cầu trình độ tiếng Đức tối thiểu A2. Thang điểm cộng gồm các tiêu chí: trình độ tiếng Đức, tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, thời gian cư trú tại Đức hoặc các nước EU, người thân tại bang Baden-Wuerttemberg, thang điểm cụ thể tại [20].

5. Chia sẻ

Cũng như những đất nước khác, nơi nào cũng có những khó khăn và thuận lợi nhất định của nơi đó. Đó là chưa nói tới sống cùng một đất nước nhưng mỗi người sẽ có một cảm nhận cá nhân khác nhau về cuộc sống ở nơi đó. Theo cá nhân mình thấy, thử thách lớn nhất ở Đức là học tiếng Đức và làm các thủ tục hành chính. Nếu ở các thành phố nhỏ ở Đức thì có thể rất vất vả nếu không biết tiếng Đức. Giải pháp hiển nhiên là chịu khó học tiếng. Ví dụ ở Berlin có rất nhiều trường ngoại ngữ, có cả trường tư và công lập, bạn cứ chọn bất kỳ một khoá học và giáo trình nhất định thì trong vòng 6 tháng đến 1 năm bạn sẽ đủ trình độ B1 dùng để ứng xử trong các tình huống hằng ngày (đi siêu thị, ra nhà ga, lên lịch hẹn, hay đọc thư từ và nghe điện thoại cơ bản bằng tiếng Đức, …). Sau khi học được những kiến thức cơ bản của tiếng Đức từ những khoá học tiếng như trên, cuộc sống ở Đức sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Mình xin chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Đức của bản thân trong bài viết chi tiết hơn: Học Tiếng Đức ở Đức không khó như từng nghĩ.

Nhân việc nói tới học tiếng, mình cũng rất tâm đắc với hệ thống giáo dục ở Đức. Nếu bạn ham học hỏi, cơ hội học tập với chi phí thấp luôn dồi dào. Học phí Đại học và Thạc sỹ gần như miễn phí, hoặc nếu có thì chi phí thấp so với nhiều nước tiên tiến khác. Hệ thống học nghề vừa-học-vừa-làm ở Đức rất tốt nên mọi người dù công việc có trình độ khác nhau vẫn có được rèn luyện tay nghề tốt. Ở Đức mình mới chỉ trải nghiệm qua những khoá học tiếng Đức ở hệ thống trường Volkshochschule (viết tắt VHS ~ tạm dịch “Trường Trung học Nhân dân”), là một dạng trường Bổ Túc Văn Hoá cho những người đã đi làm. Trường dạy rất nhiều kỹ năng và chủ đề từ âm nhạc, ngoại ngữ, tới thủ công mỹ nghệ (cắm hoa, làm gốm), và nuôi dạy con cái. Các khoá học thông thường ngắn hạn để người dân có thể luôn luôn trau dồi kiến thức. Và học phí thì rất rẻ so với những khoá học ở các nơi khác.

Một điểm khó khăn của xin việc ở Đức hay các nước EU khác là cạnh tranh rất lớn từ tất cả các nước Châu Âu. Nhờ chính sách Free Movement của EU [21], công dân EU được quyền tìm việc ở một nước EU khác, bình đẳng như công dân của nước sở tại. Điều này có nghĩa khi xin việc ở một nước Châu Âu là bạn phải cạnh tranh với ứng viên từ tất cả các nước Châu Âu chứ không chỉ từ nước sở tại.

Một điểm bất lợi khác của Đức là thuế ở Đức tương đối cao (bù lại thì an sinh xã hội cũng rất tốt). Các bạn có thể đọc báo cáo của PwC [22] để có sự so sánh về thuế giữa các nước châu Âu. Dù số liệu từ năm 2010-2012 nhưng mình thấy vẫn phản ánh được tình hình hiện tại. Gần đây mình tìm được một báo cáo so sánh về thuế giữa Đức và trung bình khối OECD [23]: Germany had the 2nd highest tax wedge among the 35 OECD member countries in 2017.

Điểm thuận lợi lớn nhất của Đức là thị trường lao động khá nhiều công việc và chính sách mở cửa với lao động người nước ngoài so với một số nước lân cận khác. Theo số liệu 06/2018 [24], Đức nằm trong top 3 trong khối EU có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất chỉ với 3.4%. Mọi người đều biết đến 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới (tính theo GDP nominal) là Mỹ, Trung, và Nhật. Nhưng ít có người để ý rằng nền kinh tế thứ 4 thế giới và lớn nhất Châu Âu là Đức, số liệu của IMF năm 2017 [25]. Nếu ai cũng biết đến Mỹ là hợp chủng quốc Hoa Kỳ vì đó là đất nước của người nhập cư từ các nước, thì Đức là nước thứ 2 sau Mỹ về số lượng người nhập cư (permanent immigrant inflows) [26]. Ngoài công việc, đối với những ai đam mê du lịch thì nước Đức rộng lớn có rất nhiều điểm đến để khám phá. Phương tiện công cộng nhất là đi lại bằng tàu rất thuận tiện. Ngoài ra, đây là những nhận xét khác trên Quora về cuộc sống ở Đức [27], [28], [29]. Mình nhận thấy những đánh giá đó cũng khá khách quan.

EU Unemployment Rate

Không phải quá trình xin việc nào cũng suôn sẻ và thuận lợi, ngoài năng lực cá nhân còn có yếu tố may mắn. Mình chúc các bạn thật nhiều may mắn và kiên trì để có thể tìm được một công việc phù hợp.

Phụ lục

Quyền tác giả

Bản quyền bài viết thuộc về tác giả, Đinh Hưng Tư. Bài viết gốc được đăng tải tại trang blog cá nhân của tôi, https://dhtu.gitlab.io/deutsch/eu-blue-card/. Mọi vấn đề liên quan đến việc sao chép, đăng tải, sử dụng bài viết xin vui lòng liên hệ với tôi tại địa chỉ email: dinhhungtu[at]gmail.com.

Nguồn tham khảo

  1. Guide to Working in Germany, Make it in Germany.  2

  2. EU Blue Card, EU Immigration Portal, European Commission.  2

  3. The Berlin Startup Salary Report, BerlinStartupJobs.com. 

  4. Visum zum Arbeiten, Make it in Germany. 

  5. Aufenthaltserlaubnis für qualifizierte Geduldete zum Zweck der Beschäftigung, Bundesministerium der Justiz und für Verbraucherschutz ( BMJV ) (tiếng Đức) 

  6. Temporary residence permit for the purpose of employment for qualified foreigners, Federal Ministry of Justice and Consumer Protection 

  7. The EU Blue Card, Federal office for immigration and refugees. 

  8. EU Blue Card (Blaue Karte EU), Service-Portal Berlin. 

  9. Figures on the EU Blue Card, Federal office for immigration and refugees.  2

  10. Who has statutory insurance? Family members, AOK. 

  11. IELTS - Common European Framework, IELTS. 

  12. Permanent settlement permit for EU Blue Card holders, Settlement Permit for EU Blue Card Holders, BerlinOnline Stadtportal. 

  13. Maintaining Permanent Residence, U.S. Citizenship and Immigration Services. 

  14. Hướng Dẫn Dành Cho Người Mới Nhập Cư (Mỹ), United States Citizenship and Immigration Services (tiếng Việt) 

  15. Period that individuals may be outside the UK without losing their Indefinite Leave to Remain,UK Government Digital Service GOV.UK 

  16. Understand permanent resident status, Government of Canada-Gouvernement du Canada canada.ca 

  17. International Standard Classification of Occupations, Official Journal of the European Union. 

  18. Evaluation of the Points-based Model Project for Foreign Skilled Workers (PuMa), Institut für Angewandte Wirtschaftsforschung (IAW). 

  19. Occupations on demand, Regional Skilled Workers Initiative. 

  20. Assessment on the basis of points, PuMa project. 

  21. Free Movement - EU Nationals, European Commission, Employment, Social Affairs & Inclusion. 

  22. Personal income tax in the European Union, PwC, 2012. 

  23. Taxing Wages - Germany, OECD, 2018. 

  24. Unemployment rates, seasonally adjusted, June 2018, Eurostat, the statistical office of the European Union. 

  25. World GDP by IMF 2017, International Monetary Fund. 

  26. Permanent immigrant inflows, Organisation for Economic Cooperation and Development. 

  27. Which country is better to live in between the USA and Germany?, Quora 

  28. What are the pros and cons of living in Germany?, Quora 

  29. What is it like to live in Germany?, Quora 

Related posts